Làng cổ Đông Ngạc
Đình Đông Ngạc
Điểm nhấn của làng cổ Đông Ngạc là ngôi đình làng còn có tên gọi là Đình Đông Ngạc (hay Đình Vẽ), có niên đại hơn 500 năm tuổi, tương truyền lúc đầu chỉ là một ngôi miếu cổ. Theo tấm bia ký trong đình có niên hiệu Dương Hòa thứ nhất (năm 1635) đình được xây dựng lại, sau đó được tu sửa, đại trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được nhiều di vật, cổ vật quý giá, đặc biệt là 2 bức tranh cổ độc đáo.
Đình làng Đông Ngạc được xây dựng với quy mô bề thế, nhiều hạng mục với các thành phần kiến trúc cổ kính là chuẩn mực của thế kỷ XVII. Đình được xây dựng trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng, sát với đê sông Hồng. Đình thờ 3 vị thần tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân:
- Thiên thần: Thần Độc Cước, do cụ Phan Phu Tiên rước từ Sầm Sơn, Thanh Hoá về thờ.
- Nhân thần: Thần Lê Khôi, cháu vua Lê Thái Tổ, là một tướng lĩnh làm đến chức Nhập Nội Tư Mã, Thượng tướng quân, mất sau trận thắng thành Đồ Bàn. Thần được người làng rước về từ Nghệ An;
- Địa thần: Bản thổ Thành hoàng (trong các sắc phong còn giữ được đều ghi là "Bảo vệ Chương Hòa đôn ngưng thổ địa hiển trưng chi thần"). Thần trừ tai chống hạn cầu cúng linh ứng. Kể từ khi có dân đến ở đến nay thì thần đã là Thành hoàng, các triều đại đều có sắc phong.
Đình Đông Ngạc là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng, hội làng truyền thống hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch. Ngoài nghi lễ tế thần, rước kiệu trang trọng, phần hội còn có các trò chơi dân gian như cờ người, mua sanh tiền, cờ bỏi, bình thơ, hát.
Đình Đông Ngạc nằm trong số ít những ngôi đình cổ kính của Thủ đô Hà Nội hiện còn bảo lưu được khá nguyên vẹn bố cục, cảnh quan kiến trúc và các di vật quý giá. Đình Đông Ngạc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Văn chỉ Đông Ngạc
Văn từ, Văn chỉ (Từ chỉ, Từ vũ) là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương tại các tổng, huyện, làng, xã. Văn chỉ làng Đông Ngạc là một công trình thờ tự gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa 3 đến 5 gian được làm theo kiểu tường xây, hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói.
Lớp trong cùng thờ đức Khổng Tử được tôn làm Tiên Thánh sư… gồm 1 ban xây thay cho hương án, hai bên có những câu đối và hoành phi có chữ “Vạn thế sư biểu” hoặc “Chí Thánh Tiên sư”. Trên ban có bát hương riêng, không có bài vị. Lớp thứ 2 gồm 3 ban, 1 ban ở giữa và 2 ban ở 2 bên, được xây bằng gạch thay cho hương án. Ban ở giữa thờ những người đã đỗ đại khoa (Tiến sĩ) và những người làm quan từ Tam, Tứ phẩm trở lên. Ban bên phải thờ những người đỗ Cử nhân và những người làm quan từ Lục, Thất phẩm trở lên. Ban bên trái thờ những người đỗ Tú tài và những người làm quan đến Bát phẩm. Lớp thứ 3 là sân dùng vào việc tế tự.
Ngày lễ Thánh tại Văn chỉ tổ chức vào ngày Đinh thứ nhất của tháng Hai và tháng Tám Âm lịch.
Nhà thờ cổ Họ Đỗ
Nhà thờ cổ dòng họ Đỗ được xem như đình làng thứ hai, hiện vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc cách đây 3 thế kỷ. Cụ tổ Đỗ Thế Giai, làm quan thời Lê - Trịnh. Khi còn sống, cụ Đỗ Thế Giai đã được triều đình phong Vương, gọi là Đỗ Đại Vương; đến khi qua đời được tôn làm Thần gọi là Thượng đẳng phúc thần.
Kiến trúc ngôi nhà gồm: nhà Tiền tế và Hậu cung được xây dựng bằng các loại gỗ như lim, xoan rừng…Tòa Tiền tế có kiến trúc 5 gian, hai dĩ, mái lợp ngói âm dương truyền thống.
Đây là ngôi nhà thờ họ cổ hiếm hoi được xây dựng theo kiến trúc như một ngôi đình làng, theo Lệnh chỉ niên hiệu Cảnh Hưng 1868 mà gia đình hiện lưu giữ, cụ Đỗ Thế Giai được phong làm Thượng đẳng phúc thần, được ban cho tiền gạo và thu thuế hàng năm. Thời đó, dòng họ Đỗ có hàng trăm mẫu ruộng phục vụ việc tế lễ.
Trải qua 3 thế kỷ, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được tất cả các di vật, cổ vật như: hoành phi, câu đối, các hương án, giường thờ, bộ kiệu và các đồ tế lễ ... Trước nhà tiền tế có bức "Thiết Thạch Tinh Trung" (được dịch là: Trung thành như sắt đá), "Thượng Đẳng Phúc Thần", bên trái là bức "Vạn Phúc Du Đồng", bên phải là "Ngũ Phúc Lâm Môn". Ngoài ra, còn có thêm hai bức Long mã thể hiện ý chí ngang dọc trời đất.
Nhà thờ cổ Họ Phan
Nhà thờ họ Phan được tọa lạc tại xóm 4A, phường Đông Ngạc. Tại khuôn viên Nhà thờ nổi bật với pho tượng nhà sử học Phan Phu Tiên. Ông chính là Tiến sĩ khai khoa đầu tiên của làng Đông Ngạc dưới thời Lê Thái Tổ. Trên tấm bia kýcủa nhà thờ họ Phan còn ghi lại những tên tuổi danh tiếng khác như: cụ Phan Tuấn Phong - lãnh tụ phong trào Đông kinh nghĩa thục; cụ Phan Văn Trường - tiến sĩ luật tại Pháp...
Kết hợp hài hòa các công trình kiến trúc cổ làng Đông Ngạc cùng với các công trình kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Pháp đã mang đến không gian kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại. Nét đẹp hiện đại pha chút cổ điển đan xen vào nhau đã tạo nên bức tranh tuyệt mỹ luôn khiến người ta hoài niệm về một thời xa xưa.
Chùa Tư Khánh
Chùa Tư Khánh (hay còn gọi là chùa Vẽ) nằm trong quần thể di tích làng cổ Đông Ngạc.Chùa Vẽ không chỉ có giá trị lịch sử văn hóa khoa học nghệ thuật đặc sắc mà còn mang những giá trị về mặt kiến trúc cùng các di vật, cổ vật được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay. Chùa Tư Khánh có 59 gian, kiến trúc nội tự kiểu chữ “Đinh”, ngoại tự kiểu chữ “Quốc”, là di tích tôn giáo thờ Phật. Cùng với giá trị lịch sử, ngôi chùa mang giá trị lớn về kiến trúc nghệ thuật. Tổng thể công trình kiến trúc của chùa được bố cụ hài hòa trong không gian thoáng đãng, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa. Chùa chính quay về hướng tây nam, mang phong cách nghệ thuật XVIII - XIX. Tổng thể các công trình kiến trúc của chùa bao gồm các hạng mục chính như: Gác chuông, Tam quan nội, tòa Tam bảo, Nhà Mẫu, Nhà Tổ và một số công trình khác,…
Chùa Tư Khánh cổ tự là ngôi chùa duy nhất ở thành phố Hà Nội được phong tặng danh hiệu "Toàn gia kháng chiến" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Hiện nay, chùa còn lưu giữ quả chuông niên hiệu Đại Khánh thứ 2 (1315) đời vua Trần Minh Tông, một đại hồng chung (chuông) treo ở gác chuông, nặng tới 750kg với niên hiệu Gia Long 16 (1817) cùng với 2 quả chuông khác nhỏ hơn với niên hiệu thời Nguyễn.
Với những giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật và lịch sử, chùa Tư Khánh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật vào ngày 16/12/1993./.
- Đỗ Liễu